Chiều cao tủ bếp dưới bao nhiêu là chuẩn nhất với người Việt?

Chiều cao tủ bếp dưới như thế nào là đạt tiêu chuẩn? Để tìm ra trả lời thỏa đáng tôi đã bỏ ra nhiều năm kinh nghiệm chinh chiến, học hỏi, quan sát và tiếp thu.

Tôi sửa tủ bếp lần đầu tiên vào tháng 10 năm 1995, tại căn biệt thự ở Tây Hồ, cho gia đình giám đốc Air France thuê.

Tôi làm tủ bếp đầu tiên vào đầu năm 1996.

Có nhiều điều muốn chia sẻ về tủ bếp với tư cách là người sản xuất, người sử dụng tủ bếp (khoe chút, tôi giống Bill Gate và Jeff Bezos ở chỗ thường rửa bát sau bữa tối, hehe, may mà tới giờ chưa bị vợ bỏ như hai vĩ nhân trên).

Thông thường các bạn thiết kế, kiến trúc sư gần như mặc định là tủ bếp gồm 2 phần:

  • Phần dưới để lắp bếp, chậu rửa
  • Tủ bếp trên để lắp giá để bát đĩa, tủ để chứa đồ bếp

Dưới đây là chi tiết về kích thước tủ bếp dưới cùng với những thiết kế phụ kiện đi kèm. Sao cho gia chủ sở hữu được căn bếp ưng ý, thuận tiện trong sử dụng và đem lại nguồn cảm hứng nấu nướng trong phòng bếp của chính gia đình mình.

1. Chiều cao tủ bếp dưới

Thực tế, trong các thiết kế thi công tủ bếp theo thời gian, từ những năm đầu dân ta làm và sử dụng tủ bếp, chiều cao tủ bếp dưới đa số được thiết kế là cao 80cm

Vào năm 1995, chiều cao tủ bếp dưới được cả người sử dụng và những người thiết kế (designer) thống nhất là cao 80cm. Tiêu chuẩn được điều chỉnh dần dần từ 80cm lên 82cm, 85cm, 88cm, với chiều sâu của bếp (cũng là bề rộng của mặt bàn bếp) trung bình là 58cm-60cm, để phù hợp hơn kích thước tiêu chuẩn của người Việt Nam.

Theo thời gian, kích thước tủ bếp dưới chuẩn được nâng dần lên tới hiện nay là 90cm và hơn thế.Cho đến hiện nay đa số nhà thiết kế, người tiêu dùng chấp nhận chiều cao tiêu chuẩn của tủ bếp dưới là cao 90cm, giúp người sử dụng thoải mái nấu nướng trong thời gian dài mà không mỏi lưng. Cá biệt, có 1 số khách hàng mà Mộc Cộng Hòa đã gặp và đặt hàng làm tủ bếp, còn yêu cầu kích thước tiêu chuẩn tủ bếp dưới cao tới 92cm do người sử dụng bếp chính cao như người mẫu, cao tới 1.68m.

Khi tôi làm những tủ bếp đầu tiên, đại đa số đều có chiều cao tủ dưới là 80cm, thực tế nhà tôi làm chiếc tủ đầu tiên cao 82cm.

Khi đứng rửa bát khá mỏi lưng!

Năm 2008 khi gia đình tôi chuyển nhà, cái bếp tiếp theo của nhà tôi đã nâng cao lên 85cm. Thật buồn, vợ tôi vẫn chê thấp, thực tế khi tôi rửa bát vẫn bị mỏi lưng. Mẹ tôi và mẹ vợ (đều chỉ cao quãng 1m55) khi sử dụng bếp này đều nói hơi mỏi lưng khi rửa rau. Sau khi tham khảo 1 số khách hàng và người sử dụng bếp, đa số đều phản ánh rất mỏi khi sử dụng chậu rửa.

Một người chị (vợ thầy giáo dạy tôi ở Bách khoa Hà Nội) sau khi đi thăm con gái mấy tháng ở Đức về, lúc sửa nhà, chị nhất định đòi bếp cao 90cm, như bếp chị đã sử dụng mấy tháng ở Đức. Chị cũng chỉ cao tầm mẹ tôi, hơn 1m5 chút ít.

Sau đó tôi có hỏi chị sử dụng có bị cao không?

Chị nói rằng: “Rất tuyệt, rửa rau, rửa bát không mỏi lưng.”

Tôi hỏi tiếp: Vậy còn khi nấu thì sao ạ? Có bị cao không ạ? (chị sử dụng bếp từ, lắp gần như phẳng mặt đá khá thông dụng ở hiện tại).

Chị nói: “Không hề cao, nấu rất thoải mái và dễ chịu em ạ.”

Từ đó, tôi thường xuyên đưa ra các lời khuyến nghị với khách hàng nên để chiều cao bếp dưới tới mặt đá bếp dưới là 90cm. Tất nhiên có người đồng ý, có người sợ cao quá, nên thường để cao trung bình 86-88cm.

Sau đó 2 năm, năm 2010 tôi làm cái bếp mới cho mẹ đẻ mình, tôi quyết định làm chiều cao tủ bếp dưới đến mặt đá là 90cm.

Đến năm 2016  tiếp tục tôi làm lại cái tủ bếp cho mẹ vợ, tôi cũng quyết định để chiều cao đến mặt đá là 90cm.

Cả mẹ đẻ và mẹ vợ tôi đều kết luận, làm bếp rất thoải mái, không bị mỏi lưng khi nấu ăn, rửa bát.

Từ đó ta có thể kết luận rằng chiều cao từ mặt đất đến mặt đá bếp nên để 90cm là phù hợp nhất với người sử dụng tủ bếp (nói kiểu văn hoa là đạt tiêu chuẩn công thái học – Ergonomic).

2. Kích thước từ mặt đất tới mặt bàn đá có liên quan tới độ sâu chậu rửa

Tôi có một phát hiện khá thú vị, trùng với ý kiến của KTS Ngô Thu Trung là để sử dụng thoải mái, không bị mỏi lưng, có mối liên hệ giữa chiều cao mặt bàn đá và độ sâu của chậu rửa. Là đối với chậu rửa Inox, chiều sâu thông thường của chậu rửa trong khoảng 20-22cm, nó rất phù hợp với chiều cao mặt bàn bếp là 90cm. Nghĩa là mặt đáy chậu rửa cách mặt đất khoảng 68-70cm. Nhưng có một số chậu cao cấp, chiều sâu lòng chậu có thể tới 25cm hoặc hơn chút gây cho người sử dụng cảm giác hơi mỏi khi sử dụng  thời gian dài. May thay thời gian sử dụng mặt bàn lâu hơn chậu rửa rất nhiều nên không quá đáng ngại. Tại sao có những chậu sâu vậy? Lý do là chậu sâu sẽ hạn chế bắn nước ra ngoài trong quá trình sử dụng. Nhưng để làm chậu sâu được, cần vật tư đắt tiền và máy móc công nghệ đắt tiền hơn, nên đa số các chậu có chiều sâu lớn này đều là hàng cao cấp với giá thành khá cao.

3. Kích thước các khoang tủ bếp dưới

Với các khoang tủ bếp dưới cũng sẽ có những yêu cầu cụ thể về kích thước, tùy thuộc vào số đồ dùng mà gia chủ sử dụng, hay điều kiện không gian nhà bạn có đủ rộng để thiết kế theo phương thức mà bạn mong muốn hay không. Tôi sẽ có bài viết chia sẻ tiếp những kinh nghiệm thực tế về cách thiết kế/bố trí các khoang tủ dưới

Chiều cao tủ bếp dưới

Hy vọng, thông qua bài viết này bạn đọc có được thông tin cụ thể hơn về chiều cao tủ bếp dưới tiêu chuẩn cho người Việt và cũng có thể áp dụng ngay trong chính gia đình của mình giống như tôi đã từng. Chi tiết hơn các bạn hãy liên hệ với Mộc Cộng Hòa để có thêm các thông tin hữu ích.

Chiều cao tủ bếp trên sẽ được chúng tôi trình bày tiếp theo ạ.